Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 14.01.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 14.01.2024

By K' Abel in THANH NIÊN on 8 Tháng Một, 2024

Chúa nhật 14.01.2024.

  1. Đề tài: NGUYÊN NHÂN BẤT HÒA.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 4:1-16.
  3. Câu gốc: “Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa…” (Sáng thế Ký 4:7).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sử Ký 25-31.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “NGUYÊN NHÂN BẤT HÒA” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho Ủy viên Linh vụ.
  2. Ủy viên Linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau phần trả lời mỗi câu hỏi, cần dành ra ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Khi dựng nên loài người, Đức Chúa Trời đã ban đặc ân cho con người. Đặc ân đó chính là mối tương giao. Chúa dựng nên người nữ cho người nam và thiết lập hôn nhân đầu tiên cho họ, Chúa cũng cho họ con cái để thành đơn vị gia đình. Mối tương giao trong gia đình là điều tốt đẹp nhất và căn bản nhất mà Chúa tạo ra cho nhân loại. Vua Đa-vít viết “Kìa, anh em ăn ở hoà thuận nhau, thật tốt đẹp thay!” (Thi thiên 133:1). Bài học hôm nay, qua câu chuyện Ca-in và A-bên sẽ giúp chúng ta thấy được những nguyên nhân làm phá vỡ mối tương giao.

  1. THÁI ĐỘ TRANH ĐUA CỦA CA-IN (Sáng thế Ký 4:1-5).

Tranh đua không phải là điều xấu, trái lại tranh đua sẽ giúp xã hội thăng tiến, văn minh và tiến bộ. Thái độ muốn hơn người khác sẽ giúp cho con người thêm nỗ lực, phát huy sáng kiến cải thiện đường lối, hệ thống tổ chức… và sự tăng trưởng là điều chắc chắn nếu sự tranh đua đó không vượt quá ranh giới mà Chúa ấn định.

Một vị mục sư nhìn thấy các Hội Thánh xung quanh tăng trưởng, mà Hội Thánh mình thì cứ dậm chân tại chỗ, nhiều khi còn đi thụt lùi thì nên làm gì? Có phải là nên thay đổi cách làm việc, cách tổ chức, nỗ lực chứng đạo… để Hội Thánh mình tăng trưởng. Đó là sự tranh đua tốt, không phải là cạnh tranh bất chính.

Ca-in và A-bên, là con trai của A-đam và Ê-va, “Sau một thời gian” đã đem dâng lên Chúa (Sáng thế Ký 4:3). Không nghi ngờ, họ làm như thế vì Chúa đã bày tỏ như vậy cho họ. Một vài người hỏi “Cách nào Ca-in và A-bên biết họ phải đem lễ vật gì?” Sự trả lời phải là Chúa đã dạy họ (so sánh Sáng thế Ký 3:21). Rất rõ là lễ vật đó phải là sự chuộc tội thay cho họ vì chúng ta đọc trong Hê-bê-rơ 11:4 rằng “Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn của A-bên”. Khi A-bên đến để thờ phượng Chúa, người ta bởi đức tin đã đem sinh tế, “dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó” (Sáng thế Ký 4:4). Chúa đã đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người”.

Ca-in đã “dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Chúa Trời” (Sáng thế Ký 4:3). Nhưng về Ca-in và lễ vật của Ca-in, Đức Chúa Trời không đoái xem và cũng không nhận lễ vật của người”. Chúng ta không biết cách nào Chúa đã thể hiện sự bác bỏ của Ngài, nhưng sự bác bỏ đó là hiển nhiên. Thái độ ganh đua đã khiến Ca-in mờ mắt cố chấp nghĩ rằng của lễ của mình tốt hơn của em mình, thay vì vâng lời Chúa dâng của lễ bằng huyết thì ông đã dâng theo ý mình (Lê-vi-Ký 17:11; Hê-bơ-rơ 9:22) và Ca-in đang đã xuyên tạc hình thức thờ phượng từ việc theo ý muốn của Đức Chúa Trời thành theo ý muốn của mình. Dâng lên một của lễ không vâng lời thì làm sao đẹp lòng Đức Chúa Trời được?

Tiếc thay, Ca-in không hiểu như vậy để cải thiện tấm lòng mình mà lại đem lòng ganh tị đi đến sự cạnh tranh bất chính.

  1. LÒNG GHEN TỴ CỦA CA-IN (Sáng thế Ký 4:6).

Sách Nhã Ca viết “Lòng ghen hung dữ như Âm phủ; sự nóng nó là sự nóng của lửa” (Nhã ca 8:6). Chúng ta hãy suy nghiệm xem lời Chúa phán dạy có đúng không.

Vì ghen tị, Ca-in quên câu “cốt nhục tình thâm”. Vì ghen tị biết bao đồng lao đã làm “đau lòng” bạn đồng lao khác. Các Thầy Tế Lễ và lính La-mã đã nhầm lẫn khi đóng đinh Chúa Cứu Thế giữa vòng những tên trộm cướp chỉ vì có lòng ghen tỵ trong đó. Nỗi oan Chúa chịu không bút mực nào diễn tả hết. Ngày nay nhiều người đã vô tình “đóng đinh” người mình yêu, vợ mình, chồng mình, anh, chị, em mình, bạn đồng lao mình lên thập tự giá làm cho “sỉ nhục tỏ tường” cũng chỉ vì một phút hờn ghen vô lối, làm mờ ý thức, che khuất lương tri. Khi lửa ghen hờn bay vút tận trời có chuyện gì mà không dám làm, có tình nào mà không chặt đứt?

III. CA-IN KHÔNG NGHE LỜI CẢNH TỈNH (Sáng thế Ký 6:7).

Tiếc thay cho Ca-in đã không nghe lời cảnh tỉnh của Đức Chúa Trời “tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm”. Đọc kỹ câu Kinh Thánh trên chúng ta thấy tội lỗi thèm ai? Ca-in hay là A-bên? Tội lỗi như con thú dữ rình mồi. A-bên không thể là nạn nhân của nó mà chính là Ca-in. Sách Đông Y cho biết “Ưu thương can, khủng thương thận, phẫn thương tì, nộ thương phế” nghĩa là: Lo âu làm hại gan, sợ hãi làm hại thận, bực tức làm hại bộ tiệu hoá, giận dữ làm hại phổi. Về bình diện tâm linh thì sự hờn ghen còn tác hại hơn nhiều. Chín bông trái Thánh Linh sẽ bị hủy phá. Tình yêu thành ghét bỏ, vui mừng thành đau đớn, bình an thành chiến tranh, nhịn nhục thành tức giận, mềm mại thành cứng rắn, tốt thành xấu, đức tin thành vô tín, nhu mì thành cao ngạo và nhẫn nhục thành không có phép tắc. Đổ vỡ, đau thương, mất mát và ân hận sẽ là hậu quả tất nhiên của những ai không nghe lời chân tình của Chúa. Ca-in “ngươi phải quản trị nó”. Đừng để con thú ghen hờn chiếm hữu lòng quí anh chị em. Và chúng ta phải nhờ cậy sức của Chúa Thánh Linh để “quản trị nó”.

  1. ĐỜI SỐNG CA-IN BỊ PHÁ HUỶ (Sáng thế Ký 4:8-16).

 Ngoài tình cha con, anh em là một thứ tình được coi là cao nhất của con người. “Anh em như thủ túc” là câu nói chính xác để nói lên mối liên hệ trong gia đình. Ca-in vì lòng ghen tỵ đã giết chết em. Ca-in không thể hủy phá đời sống của A-bên, vì đời sống của A-bên là mẫu mực trọn vẹn, đã gắn liền đời sống của Chúa, Ca-in không thể hủy phá đời sống em mình nhưng Ca-in hoàn toàn hủy phá đời sống chính mình. Phân đoạn Kinh Thánh trên cho thấy Ca-in kinh nghiệm hành động điên rồ của mình đã đưa ông trở thành kẻ xa lạ với chính mình, với Đức Chúa Trời và với đồng loại. Sự sát hại đã đưa Ca-in biến thành kẻ sợ hãi (giết người, sợ người giết, kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm) và cuộc đời còn lại của Ca-in là kẻ trốn tránh và chỉ là kẻ đi lang thang, vô định. Hãy cẩn thận làm theo lời Chúa dạy trong đời sống với anh em trong Hội Thánh, để cho chúng ta không giống như Ca-in trong hành động hay thái độ sống.

* Bài học áp dụng.

  1. Chúng ta học điều gì qua sự tranh đua? Tranh đua giúp nhân loại điều gì? Chúng ta phải làm gì để sự tranh đua mà không phải là cạnh tranh bất chính? (Sáng thế Ký 4:1-5).
  2. Lời Chúa trong Nhã Ca 8:7 ví sánh sự ghen tỵ như cái gì? Chúng ta làm sao chiến thắng được nó? (Sáng thế Ký 4:6).
  3. Chúng ta học điều gì về sự cảnh tỉnh của Chúa? Chúng ta nên làm gì khi chúng ta có điều làm mình ghen tỵ, giận tức? (Sáng thế Ký 4:8).
  4. Làm sao chúng ta giữ mối tương giao giữa mình với Chúa và mình với anh em?
  5. Sự ghen tỵ sẽ phá hủy đời sống của ai? Vì sao Chúa kêu gọi sự tha thứ và yêu thương nhau? (Sáng thế Ký 4:8-16).

 

Post CommentLeave a reply