Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 02.07.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 02.07.2023

By K' Abel in THANH NIÊN on 1 Tháng Bảy, 2023

Chúa nhật 02.07.2023.

  1. Đề tài: THÔNG CÔNG CHUNG TRONG ĐẤNG CHRIST.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 1:1-9.
  3. Câu gốc: “Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (1Cô-rinh-tô 1:9).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Các Vua 1-5.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia Sẻ.

  1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để họ chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Thanh niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.               

Thông công là yếu tố cần thiết trong cộng đồng của người Cơ đốc. Bất cứ nơi nào có sự thông công thì nơi đó không có sự chia rẽ và ngược lại. Vì vậy, để giải quyết vấn đề chia rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Phao-lô bắt đầu nói đến mối thông công chung.

Vậy mối thông công này dựa trên nền tảng nào? Và trong những mối liên hệ nào?

  1. MỐI LIÊN HỆ CHUNG.

Trong lời chào thăm từ câu 1-9, Phao-lô có cách mở đầu thật khéo léo khi nêu lên mối liên hệ giữa Phao-lô và các tín hữu Cô-rinh-tô. Đây cũng là điều chúng ta học tập nơi Phao-lô, vì tìm mối liên hệ chung giữa ta và người mà ta sắp khuyên là yếu tố cần thiết trước khi vào vấn đề.

  1. Hai chiều hướng của mối thông công.

Mối thông công giữa Phao-lô và tín hữu Cô-rinh-tô được bày tỏ qua hai chiều:

  1. Với Đức Chúa Trời trong tình Thiên Phụ. Vì:

– Phao-lô và các tín hữu Cô-rinh-tô đều được Đức Chúa Trời kêu gọi (c.1,2).

– Phao-lô và các tín hữu Cô-rinh-tô cùng gọi Đức Chúa Trời là Cha (c.3) và gọi Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa (c.2).

  1. Với nhau trong tình anh em.

– Trong câu 1, Phao-lô để Sốt-then cùng đứng tên với ông nói lời chào thăm Hội Thánh. Sốt-then là một tín hữu Do-thái, người quen thuộc với tín hữu Cô-rinh-tô (Công Vụ 18:17). Phao-lô gọi Sốt-then là “anh em chúng ta” và gọi tín hữu Cô-rinh-tô là “anh em”.

– Trong 9 câu mở đầu bức thư, có khoảng chín lần chữ “anh em” và bảy lần chữ “chúng ta” được Phao-lô nhắc đi nhắc lại, bày tỏ mối liên hệ khăng khít giữa Phao-lô và tín hữu Cô-rinh-tô.

  1. Nền tảng của mối thông công (c.9).

Mối thông công được đặt trên nền tảng quan trọng là Đấng Christ (c.9). Vì:

Mục đích kêu gọi của Đức Chúa Trời là đem người ta đến sự thông công với Con Ngài (c.9). Qua Con Đức Chúa Trời, người được thông công với Đức Chúa Trời gọi Ngài là A-ba, Cha (Giăng 14:6; Rô-ma 8:15) và được thông công với nhau trong tình anh em cùng một Cha trên trời (Giăng 15:12; 1Giăng 1:7; 3:16).

  1. Tính chất của mối thông công chung.

Vì có mối liên hệ hai chiều: Chiều đứng – với Đức Chúa Trời; chiều ngang – với anh em và trên nền tảng duy nhất là Đấng Christ, nên mang ba tính chất rất đặc biệt sau đây:

(1) Không thể tách rời (Rô-ma 8:35-38).

(2) Thiêng liêng: Người nào xưng nhận Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì Ngài ngự trong lòng người ấy (1Giăng 4:15). Khi một người có sự tương giao với Đức Chúa Trời, thì cũng có sự tương giao với anh em trong Chúa (1Giăng 1:7; 4:20).

(3) Phổ thông: Mối thông công này dành cho tất cả mọi người cầu khẩn danh Chúa Giê-xu (c.2).

  1. MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.

Từ câu 1-9 cho thấy người được Đức Chúa Trời kêu gọi nhận được sáu điều sau:

(1) Được nên thánh trong Christ.

(2) Được gọi là thánh đồ (c.2).

(3) Được ân điển và bình an (c.3).

(4) Được dư dật ân tứ thuộc linh (c.5).

(5) Được bảo đảm tương lai vinh hiển (c.8).

(6) Được thông công với Con Đức Chúa Trời (c.9).

Chữ “kêu gọi” ở đây đồng nghĩa với chữ “lựa chọn”. Sự lựa chọn là Đức Chúa Trời khiến người ấy nên thánh trong Christ, để được thông công với Con Ngài, và được phước hạnh bất tận trong ân điển Ngài.

Vì vậy, qua sáu điều trên thì sự thông công với Con Đức Chúa Trời là điểm chính trong mục đích của Đức Chúa Trời.

Sự thông công này có nghĩa gì? Tại sao đó là điều cần thiết?

Chữ “thông công” trong câu “thông công với Con Ngài” nguyên văn tiếng Hy-lạp là “koinonia” gồm hai ý nghĩa: Liên hiệp và hữu nghị. Vậy, mối thông công với Con Đức Chúa Trời mà Phao-lô nói trong câu 9 là mối thông công hai chiều với Chúa và với anh em trong tình bằng hữu thân thiết, vì có chung một Cha trên trời.

Mối thông công giữa Đức Chúa Trời và ai đó được Kinh Thánh diễn tả bằng chữ “giàu có”. Nghĩa là người có mối thông công mật thiết với Đức Chúa Trời là người thực sự giàu có nơi Ngài.

Ý nghĩa trên cho thấy sự cần thiết của mối thông công với Con Đức Chúa Trời. Vì qua Đấng Christ, chúng ta được tương giao với Đức Chúa Trời là Cha, được nhận lãnh mọi phước hạnh giàu có trong Ngài, và được thông công với nhau trong mối liên hệ chung không thể tách rời.

Tóm lại.

– Người ở trong sự lựa chọn của Đức Chúa Trời là người được gọi đến sự thông công với Con Ngài.

– Người ở trong mối thông công với Con Đức Chúa Trời là người giàu có trong Đức Chúa Trời. 

– Người ở trong mối thông công với Đấng Christ và anh em trong Đấng Christ, là người đang sống trong ý chỉ và mục đích của Đức Chúa Trời.

Vì Đức Chúa Trời không phải cứu chuộc chúng ta để chúng ta sống riêng rẽ, nhưng cứu chúng ta vào cộng đồng tình yêu của Ngài, để chúng ta sống với Chúa và với nhau. Cho nên:

– Nếu người nào mất sự thông công với Chúa thì cũng mất sự thông công với anh em và ngược lại.

– Nếu người nào nói rằng: Tôi chỉ muốn thông công với Chúa và không muốn thông công với anh em trong Chúa, thì đó là điều trái lẽ với mối thông công hai chiều mà Đức Chúa Trời gọi chúng ta đến.

 

Post CommentLeave a reply