Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 06.08.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 06.08.2023

By K' Abel in THANH NIÊN on 4 Tháng Tám, 2023

Chúa nhật 06.08.2023.

  1. Đề tài: ĐẤNG CHRIST LÀ ĐẦU HỘI THÁNH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 1:12-13; Ê-phê-sô 1:22-23.
  3. Câu gốc: “Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:23b).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Các Vua 16-20.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, uỷ viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Phao-lô sai lầm khi quở trách nhóm tín hữu tự xưng mình là môn đồ của Đấng Christ.

Đề tài 2: Phao-lô đúng khi quở trách nhóm tín hữu tự xưng mình là môn đồ của Đấng Christ.  

  1. Mỗi nhóm họp lại cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Qua lời giải đáp của Phao-lô, lý do thứ nhất khiến Hội Thánh chia rẽ là vì có cái nhìn sai về người đứng đầu trong Hội Thánh. Tại sao các tín hữu Cô-rinh-tô rơi vào lỗi lầm này? Phao-lô giải đáp thế nào?

  1. DẪN GIẢI.
  2. CÁI NHÌN SAI VỀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU HỘI THÁNH.

Cái nhìn sai về người đứng đầu Hội Thánh đã đưa tín hữu Cô-rinh-tô rơi vào tình trạng sai lầm, là tôn cao con người thay vì tôn cao Chúa. Sự tôn cao người ấy chẳng qua là hình thức đề cao cái tôi của mình của các tín hữu.

Cho nên chúng ta thấy số người tôn Phao-lô hoặc A-bô-lô hoặc Sê-pha làm đầu của nhóm, chỉ vì Phao-lô, A-bô-lô, Sê-pha hợp với ý nghĩ, sở thích hoặc quan điểm của nhóm người đó. Vì vậy, Phao-lô đã quở trách những nhóm người ấy, cũng quở trách luôn kẻ tự xưng mình là môn đồ của Đấng Christ. Sự xưng nhận này có gì sai? Điểm sai ở đây là họ đặt Chúa ngang hàng với những người làm đầu khác trong Hội Thánh. Họ lạm dụng danh Chúa, chứ không phải tôn cao danh Chúa, không phải hầu việc Chúa, nhưng chỉ “hầu việc cái bụng họ” (Rô-ma 16:17-18).

  1. CÁI NHÌN ĐÚNG ĐẮN VỀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU HỘI THÁNH.

Với những tín hữu “tôn” Phao-lô làm đầu, thay chỗ của Chúa, Phao-lô xác định rõ rằng, ông không phải là Đấng Christ, “Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em… sao?” Đây là điểm chúng ta cần học nơi Phao-lô; đừng tạo nên sự hiểu lầm; cũng đừng “nuôi” sự hiểu lầm để người khác tôn cao mình thay vì tôn cao Chúa.

Với câu hỏi “Đấng Christ bị phân rẽ ra sao?” (c.13a), Phao-lô làm sáng tỏ chân lý về người làm đầu Hội Thánh trong Ê-phê-sô 1:22-23, cho chúng ta biết những lẽ thật quan trọng về Đấng Christ và Hội Thánh:

– Đấng Christ đã chịu chết để cứu chuộc Hội Thánh.

– Đức Chúa Trời ban Đấng Christ làm Đầu Hội Thánh.

– Đấng Christ là Đầu Hội Thánh và Hội Thánh là thân thể Ngài.

Như vậy, trong Hội Thánh chỉ có một Người làm đầu là Đấng Christ mà thôi. Hội Thánh nào chối bỏ quyền làm đầu của Đấng Christ, thì chẳng khác nào như một tổ chức của người đời. Nơi đó chỉ có sự hỗn loạn, tranh chấp, ganh đua, xâu xé nhau mà thôi!

* Câu chuyện ứng dụng.

Johann Pestalozzii là một nhà mô phạm nổi tiếng và có ảnh hưởng đối với nền văn học Thụy Sĩ (1746-1827). Khi qua đời, người ta tạc tượng ông để kỷ niệm.

Nhà điêu khắc làm tượng Pestalozzii đang nhìn xuống một cậu bé, mắt cậu ngước lên nhìn chăm chăm vào vị giáo sư khả kính ấy.

Nhưng bức tượng đẹp ấy không được mọi người tán đồng vì nó không phản ánh được mục đích của nhà mô phạm. Nhà điêu khắc phải làm một bức tượng khác. Lần này nắn hình nhà mô phạm và hình một em bé đang quỳ gối mắt nhìn lên, nhưng không nhìn lên vị giáo sư Pestalozzii, mà nhìn lên một bàn tay đang vẫy ở trên cao, nơi có “một toà nhà không do tay người làm ra mà có tính cách vĩnh viễn trên trời”.

– Chúng ta đang tôn cao ai? Người hay Chúa? Chúng ta đang tôn cao Chúa hay cái tôi của mình?

– Chúng ta là người dẫn đường cho người khác đến với Chúa hay là người chắn đường để người khác chỉ đến với người ta mà thôi?

– Người khác có thể thấy Chúa qua chúng ta không?

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Sự xưng mình là môn đồ của Đấng Christ có sai không? Tại sao Phao-lô quở trách một nhóm tín hữu ở Cô-rinh-tô tự xưng “ta là của Đấng Christ?” (c.12-13; xem Rô-ma 16:17-18).
  3. Việc tôn những người khác làm đầu cho thấy các tín hữu Cô-rinh-tô rơi vào lỗi lầm nào?
  4. Phản ứng trước sự sai lầm của tín hữu:
  5. Phao-lô có thái độ nào đối với những kẻ tôn Phao-lô làm đầu? (c.13). Sự phủ nhận của Phao-lô cho chúng ta bài học gì?
  6. Phao-lô bày tỏ lẽ thật quan trọng nào về người làm đầu Hội Thánh? (c.13, xem Ê-phê-sô 1:22-23).
  7. Xin tìm những lý do cắt nghĩa tại sao sự nhìn biết Đấng Christ làm Đầu Hội Thánh là điều rất quan trọng.
  8. Ghi nhận những lẽ thật của Kinh Thánh tìm được qua phần thảo luận trên.
  9. Nhìn lại chính mình, xin cho biết:
  10. Đấng Christ đang chiếm chỗ nào trong đời sống bạn?
  11. Bạn đang tôn cao con người hay tôn cao Chúa?
  12. Nếu ở trong trường hợp được người ta tôn bạn lên hơn là tôn cao Chúa, bạn sẽ làm gì?
  13. Với sự nhận biết lẽ thật Đấng Christ là Đầu Hội Thánh, bạn sẽ có cách đối xử thế nào với anh em trong Chúa?

Post CommentLeave a reply