CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 05.11.2023
By K' Abel in THANH NIÊN on 2 Tháng Mười Một, 2023
Chúa nhật 05.11.2023.
- Đề tài: QUYỀN XÉT ĐOÁN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 4:1-5.
- Câu gốc: “Chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến” (1Cô-rinh-tô 4:5a).
- Đố Kinh Thánh: 2Sử Ký 7-12.
- Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật
* GỢI Ý PHỎNG VẤN.
(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới phòng nhóm đi lên và Phao-lô từ ngoài bước vào phòng nhóm).
– Phóng viên: Dạ! Xin kính chào cụ Phao-lô!
– Phao-lô: Chào các cháu!
– Pv: Chúng cháu rất vui vì một lần nữa được cụ đến thăm. Thay cho tất cả các bạn thanh niên trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ này, cháu xin phép được hỏi cụ về đề tài “Quyền xét đoán của Đức Chúa Trời”.
– Phao-lô: Được, các cháu cứ hỏi!
– Pv: Xin cụ vui lòng cho biết lý do cụ viết những lời trong chương 4:1-5 gởi cho tín hữu Cô-rinh-tô?
– Phao-lô: Lý do ta viết những lời này là vì các tín hữu có sự chia phe đảng, tranh cạnh nhau, đến nỗi xét đoán những người hầu việc Chúa giữa họ.
– Pv: Những người hầu việc Chúa đó là ai, thưa cụ?
– Phao-lô: Đó là A-bô-lô và ta.
– Pv: Cụ đã làm gì để giải quyết vấn đề này?
– Phao-lô: Trước lời phê phán của tín hữu, ta cho họ biết Chúa mới là Đấng xét đoán và đưa ra hai đặc điểm của đời sống ta và A-bô-lô để minh giải cho vấn đề trên.
– Pv: Hai đặc điểm đó là gì thưa cụ?
– Phao-lô: Đặc điểm thứ nhất là lòng trung thành. Trong câu 1, ta kêu gọi tín hữu hãy xem ta và A-bô-lô là “đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”.
– Pv: Cụ vui lòng giải nghĩa từ “đầy tớ” và “kẻ quản trị” cho chúng cháu được hiểu rõ hơn ạ .
– Phao-lô: Chữ “đầy tớ”, trong nguyên văn Hy-lạp là hyperetes, chỉ về người giúp việc, người làm việc dưới quyền của người chủ. Chữ “quản trị” trong nguyên văn Hy-lạp là oikonomos, chỉ về người nô lệ ở trong nhà chủ, được chủ tin cậy giao cho tài sản trong nhà để chăm nom, coi sóc.
– Pv: Thưa cụ, việc cụ đặt mình vào địa vị người đầy tớ và kẻ quản trị nhằm mục đích gì?
– Phao-lô: Đó là cách cụ thể giải thích thái độ “không quan tâm” của ta trước sự xét đoán của con người (c.3).
– Pv: Vậy điều cụ quan tâm là gì thưa cụ?
– Phao-lô: Điều ta quan tâm nhất là tấm lòng trung thành hầu việc. Đây là điều kiện cần thiết không chỉ người chủ đòi hỏi, mà còn là điều người khác cũng muốn nhìn thấy. Đó là yếu tố căn bản để nhận định giá trị người hầu việc để được ban thưởng (Ma-thi-ơ 25:23).
– Pv: Thưa cụ, ngoài lòng trung thành, người đầy tớ và người quản trị cần điều gì nữa?
– Phao-lô: Người phải làm việc dưới mạng lệnh của chủ.
– Pv: Cụ thể là việc gì, thưa cụ?
– Phao-lô: Ta được Đức Chúa Trời kêu gọi để làm người “quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”, tức người phân phát ơn lành của Chúa qua sứ điệp Tin lành.
– Pv: Như vậy, người đầy tớ và người quản trị làm việc theo lệnh chủ và chịu trách nhiệm trước mặt chủ phải không thưa cụ?
– Phao-lô: Đúng vậy! Trọng tâm công việc của ta là Đấng Christ, và chủ đích ta hướng về là Đức Chúa Trời, vì Đấng xét đoán của ta là Chúa chứ không phải loài người (ho vài tiếng).
– Pv: Mời cụ ngồi xuống đây ạ! Còn đặc điểm thứ hai là gì vậy, thưa cụ?
– Phao-lô: Đặc điểm thứ hai là thái độ kiên nhẫn chờ đợi. Ta không hề nao núng trước sự phê phán của tín hữu, nhưng cứ kiên nhẫn trung tín hầu việc Chúa và khuyên dạy tín hữu những điều quan trọng.
– Pv: Những điều quan trọng cụ dạy tín hữu là gì, thưa cụ?
– Phao-lô: Điều thứ nhất là đừng xét đoán, vì sự xét đoán không thuộc quyền của con người nhưng thuộc quyền của Đức Chúa Trời. Sự xét đoán của con người là nông cạn và bất toàn. Theo Ma-thi-ơ 7:1-5, Chúa Giê-xu dạy môn đồ đừng nên xét đoán.
– Pv: Ngoài điều trên cụ còn dạy điều gì nữa?
– Phao-lô: Điều thứ hai là hãy đợi Chúa đến. Đó là ngày Chúa xét đoán, ban thưởng cho con cái Ngài. Trong ngày đó, tiêu chuẩn xét đoán của Ngài không căn cứ trên những điều kiện bên ngoài, nhưng căn cứ trên phẩm chất bên trong của tấm lòng (1Sa-mu-ên 16:7).
– Pv: Còn điều thứ ba nữa không thưa cụ?
– Phao-lô: Điều cuối cùng là hãy nhận phần thưởng từ Chúa, đừng nhận phần thưởng từ loài người (c.5). Sở dĩ người ta xét đoán là vì muốn nhận sự khen ngợi lẫn nhau. Nhưng ta thách thức tín hữu hãy tìm phần thưởng quý hơn đó là phần thưởng từ Đức Chúa Trời.
– Pv: Cám ơn cụ đã dành thì giờ đến đây giúp chúng cháu hiểu “Quyền xét đoán của Đức Chúa Trời”. Chúng cháu sẽ noi gương cụ làm người đầy tớ và kẻ quản trị trong nhà Đức Chúa Trời.
NGƯỜI HƯỚNG DẪN: Các bạn thân mến! Chúng ta vừa nghe cụ Phao-lô trình bày về đề tài “Quyền xét đoán của Đức Chúa Trời”. Qua đó chúng ta biết rằng: (1) Sự xét đoán thuộc về Đức Chúa Trời, không thuộc về loài người. (2) Người nào muốn nhận phần thưởng nơi loài người, sẽ mất phần thưởng nơi Đức Chúa Trời. (3) Tấm lòng là yếu tố quan trọng trong tiêu chuẩn xét đoán của Đức Chúa Trời. (4) Sự xét đoán để ban thưởng cho con cái Chúa được thực hiện trong ngày Chúa Giê-xu trở lại.
Nguyện Chúa giúp chúng ta trung thành, kiên nhẫn trông chờ ngày Chúa trở lại để được ban thưởng.
Mời các bạn đứng lên, mời cụ Phao-lô cầu nguyện cho chúng cháu.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Qua lời giải đáp của Phao-lô cho thấy:
Lý do thứ nhất khiến Hội Thánh chia rẽ là vì có cái nhìn sai về người làm đầu Hội Thánh.
Lý do thứ hai là vì coi trọng lễ báp têm hơn là quyền năng cứu rỗi của Tin lành.
Lý do thứ ba là vì chú trọng sự khôn ngoan của loài người và xem thường quyền năng thập tự giá của Chúa Giê-xu.
Lý do thứ tư là vì lầm tưởng nhờ tri thức để nhận được các phước hạnh từ Đức Chúa Trời.
Lý do thứ năm là không hiểu được sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.
Lý do thứ sáu là có sự tranh cạnh nhau.
Lý do thứ bảy là vì không khéo léo trong việc xây dựng nhà Chúa.
Lý do thứ tám là vì họ thuộc về loài người mà không thuộc về Đức Chúa Trời.
Và lý do thứ chín là không nhận biết quyền đoán xét của Đức Chúa Trời, nên xét đoán nhau.
- DẪN GIẢI.
Sự chia phe đảng tranh cạnh nhau đã đưa các tín hữu vào lầm lỗi chỉ trích nhau, đến nỗi xét đoán những người hầu việc Chúa giữa họ.
Trước những lời phê phán của tín hữu, từ c.1-5, Phao-lô khẳng định, Chúa là Đấng xét đoán và đã đưa ra hai đặc điểm của đời sống A-bô-lô và Phao-lô để chứng minh và giải thích cho vấn đề trên.
- Chúa là Đấng xét đoán (c.1-4).
Trong câu 1, Phao-lô kêu gọi tín hữu hãy xem Phao-lô và A-bô-lô là “đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”. Chữ “đầy tớ”, trong nguyên văn Hy-lạp là hyperetes, chỉ về người giúp việc, người làm việc dưới quyền của người chủ. Chữ “quản trị” trong nguyên văn Hy-lạp là oikonomos, chỉ về người nô lệ ở trong nhà chủ, được chủ tin cậy giao cho tài sản trong nhà để chăm nom, coi sóc.
Đặt mình vào địa vị của người đầy tớ và người quản trị, Phao-lô cắt nghĩa thái độ “chẳng quan tâm” của Phao-lô trước sự xét đoán của toà án loài người, sự xét đoán của toà án tín hữu và ngay cả sự xét đoán của toà án lương tâm của chính mình (c.3). Vì những lý do sau đây:
- Như người đầy tớ và người quản trị, điều Phao-lô chú trọng nhất là tấm lòng trung thành hầu việc. Vì đó chẳng những là điều kiện cần thiết người chủ đòi hỏi, mà là điều người bên ngoài cũng muốn trông thấy. Đó là yếu tố căn bản để đánh giá trị người hầu việc và ban thưởng (Ma-thi-ơ 25:23).
- Như người đầy tớ và người quản trị làm việc dưới mạng lệnh của chủ. Phao-lô được Đức Chúa Trời kêu gọi để làm người “quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”, tức người phân phát ân lành của Chúa qua sứ điệp Tin lành (1Phi-e-rơ4:10). Phao-lô không phải là một giáo sư dạy triết lý tôn giáo, để người ta có thể chỉ trích, phê bình.
- Như người đầy tớ và người quản trị làm việc theo lệnh chủ và chịu trách nhiệm trước mặt chủ. Cho nên, trọng tâm công việc của Phao-lô là Đấng Christ và chủ đích Phao-lô hướng về là Đức Chúa Trời, vì Đấng xét đoán của ông là Chúa chứ chẳng phải con người.
- Chúa sẽ xét đoán trong ngày cuối cùng (c.5).
Vì những lẽ trên, Phao-lô không nao núng trước sự phê phán của tín hữu, nhưng cứ kiên nhẫn trung tín hầu việc Chúa và khuyên dạy tín hữu những điều quan trọng này:
- Chớ xét đoán. Sự xét đoán không thuộc quyền của con người, vì sự xét đoán của con người là nông cạn, bất toàn. Ma-thi-ơ 7:1-5, Chúa Giê-xu dạy môn đồ đừng nên xét đoán. Đừng làm kẻ giả hình. Đừng vội lấy cái rác trong mắt anh em, nhưng trước hết hãy lấy cái đà trong mắt mình.
- Hãy đợi Chúa đến, vì có một ngày Chúa đã định để xét đoán, ban thưởng cho con cái Ngài.
Trong ngày đó, chính Đức Chúa Trời là Quan xét. Tiêu chuẩn xét đoán của Ngài không căn cứ trên những điều kiện bên ngoài, nhưng căn cứ trên phẩm chất bên trong của tấm lòng (1Sa-mu-ên 16:7).
- Hãy nhận phần thưởng từ Chúa, đừng nhận phần thưởng từ con người (c.5).
Sở dĩ người ta xét đoán là vì muốn nhận sự khen ngợi lẫn nhau. Nhưng Phao-lô thách thức tín hữu phần thưởng quý hơn đó là phần thưởng từ Đức Chúa Trời. Hãy tìm phần thưởng đó.
Tóm lại.
– Sự xét đoán thuộc quyền Đức Chúa Trời không thuộc quyền con người.
– Người nào muốn nhận phần thưởng nơi con người, sẽ mất phần thưởng nơi Đức Chúa Trời.
– Tấm lòng là yếu tố quan trọng trong tiêu chuẩn xét đoán của Đức Chúa Trời.
– Sự xét đoán để ban thưởng cho con cái Chúa được thực hiện trong ngày Đấng Christ trở lại.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Nhìn lại chính mình, xin cho biết:
– Bạn có hay xét đoán anh em mình không?
– Bạn có trung tín hầu việc Chúa không?
– Bạn có nhìn biết quyền xét đoán thuộc về Chúa không?
- Trong sự hầu việc Chúa, trước lời phê phán của anh em, bạn sẽ làm gì? Bỏ cuộc hay tìm cách trả thù hoặc có cách nào khác?