Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.01.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.01.2024

By K' Abel in THANH NIÊN on 17 Tháng Một, 2024

Chúa nhật 21.01.2024.

  1. Đề tài: KHỞI ĐẦU MỚI CỦA NHÂN LOẠI
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 6:5 – 9:17.
  3. Câu gốc: “Ta sẽ nhớ lại sự giao ước của Ta đã lập cùng các ngươi, và cùng các loài xác thịt có sự sống, thì nước chẳng bao giờ lại trở nên lụt mà hủy diệt các loài xác thịt nữa” (Sáng thế Ký 9:15).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sử Ký 32-36.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: KHỞI ĐẦU MỚI CỦA NHÂN LOẠI.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tuần trước, chúng ta học trong Sáng thế Ký đoạn 4. Ca-in vì lòng ganh tị giết chết em ruột mình. Bài học hôm nay, sẽ học 3 đoạn Kinh Thánh từ đoạn 6,7 và 9. Chúng ta cần phải trở về đầu đoạn 3 và đoạn 4 để tìm xem lý do nào Chúa quyết định hủy diệt loài người khi Ngài “thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều” (6:5).

Nhìn về phần Kinh Thánh trước, sự hung ác đã bắt đầu bằng sự không vâng lời của A-đam, sự ganh ghét của Ca-in. Từ thái độ không vâng phục, và thái độ ganh ghét đã tạo nên nhiều điều khác không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Không đẹp lòng Đức Chúa Trời là một việc, việc con người tạo nên một xã hội mà toàn là những người xấu xa gian ác lại là một tai họa lớn cho cả nhân loại nói chung. Chính điểm này Đức Chúa Trời là Đấng nhìn xa, Ngài không muốn cho con người bị diệt vong. Do đó ý định hình phạt là điều tất nhiên phải có. Tuy nhiên chúng ta hãy nghiên cứu về ý thức và hành động hình phạt của Đức Chúa Trời như thế nào để rút ra bài học cho chính mình.

  1. ĐỨC CHÚA TRỜI TÁI TẠO DÂN TỘC MỚI (Sáng 6:5-7).

Sự tái tạo dân tộc mới khởi đầu bằng sự “hủy diệt” (Sáng thế Ký 6:7).

Trong bản Kinh Thánh tiếng Anh (RSV) “blot out” gọi là xóa sạch đi. Muốn tái lập một bắt đầu mới, Đức Chúa Trời đã phải “xóa sạch cái cũ”. Thật là một điều đau đớn với Chúa. Chính Chúa đã tạo dựng loài người, đến bây giờ chính Ngài phải quyết định “xóa sạch” hay “hủy diệt” thì quả là một điều không thể tưởng nổi. Do đó, câu 6 “Đức Chúa Trời tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng”. Hai động từ “tự trách và buồn rầu” đã nói lên tình yêu thương cao cả của Đức Chúa Trời. Thật ra, Đức Chúa Trời không xóa sạch hoàn toàn, Ngài vẫn giữ lại hình ảnh con người mà chính Ngài đã tự tay nắn lên. Trong bối cảnh này, tuy hình phạt, nhưng ẩn ý là một chứa đựng yêu thương. Ngài “hình phạt” hay “hủy diệt” để tạo nên một dòng giống tốt hơn cho thế hệ mai sau. Do đó, từ “hủy diệt” hay “hình phạt” không phải là điều Đức Chúa Trời ghét bỏ, trả thù mà là trong ý bảo vệ, yêu thương. Vì vậy từ ngữ Punishment trong tiếng Anh bao gồm: Chữ “Punish” có nghĩa là kiểm soát, ngăn chặn; nghĩa thứ hai là giúp đỡ; tức là Đức Chúa Trời đã giúp đỡ, ngăn chặn chứ không chỉ trừng phạt con người. Như vậy, hủy diệt những người bại hoại là một hành động Đức Chúa Trời tỏ lòng thương xót loài người. Lòng thương xót đó được thể hiện qua sự chọn lựa Nô-ê, người công bình và từ đó Đấng Christ vào thế gian.

  1. GIẢI CỨU DÒNG DÕI ĐƯỢC LỰA CHỌN (Sáng thế Ký 6:8; 7:1-4).

Sách Hê-bơ-rơ 11:7 chép “Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa mách bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”. Tại sao Đức Chúa Trời chọn Nô-ê? Chọn trên tiêu chuẩn nào? Câu Kinh Thánh trên có 4 từ chúng tôi cho là tiêu chuẩn để Đức Chúa Trời chọn Nô-ê.

  1. Đức Tin.

Yếu tố mấu chốt của sự cứu rỗi chính là đức tin và khi nào con người không có đức tin thì không thể ở đẹp lòng Chúa, và không thể đến gần Chúa và dĩ nhiên không có phần thưởng (Hê-bơ-rơ 11:6). Câu Kinh Thánh này nói rất rõ ràng về bản chất của đức tin.

  1. Thấy Điều Người Khác Chưa Thấy.

Có nhiều người bị gạt vì đòi được mắt thấy, tai nghe. Mắt thấy rồi, tai nghe rồi, sờ được rồi thì cần gì đức tin nữa. Đáng thương cho những người trong thế giới ngày nay, lời Chúa phán rõ ràng qua hàng chục quyển sách tiên tri trong Kinh Thánh về những năm đại nạn, nhưng có mấy người tin để có đời sống như Nô-ê!

  1. Kính Sợ.

Yêu Chúa chưa đủ, con cái Chúa phải có tấm lòng kính sợ Chúa. Chúng ta hãy nghe tác giả Thi thiên viết: “Đức Giê-hô-va ôi! Buổi sáng Ngài sẽ nghe tiếng tôi; buổi sáng tôi sẽ trình bày duyên cớ tôi trước mặt Ngài, và trông đợi” (Thi thiên 5:3). Chúng ta có đời sống thờ phượng như Đa-vít không? Chính sự thờ phượng của Nô-ê được Chúa mách bảo về những điều chưa thấy.

  1. Đóng Tàu.

Qua gương Nô-ê cho chúng ta thấy, tin cậy Chúa là bước khởi đầu, tin vào lời Chúa phán là bước thứ hai, thờ phượng Chúa chân thật là bước thứ ba, và làm theo lời Chúa dạy là bước thứ tư. Nếu không có bốn bước này thì việc “cứu cả nhà mình” chỉ là điều huyển hoặc, viễn vong.

III. LỜI CHÚA HỨA (Sáng thế Ký 9:12-17).

Mỗi người trong chúng ta đều đã có lần nhìn thấy chiếc mống (cầu vồng) đủ màu sắc như chiếc cầu vĩ đại mà Chúa đã xây trên trái đất này. Đức Chúa Trời dùng hơi nước và ánh sáng để tạo thành chiếc mống rực rỡ, xinh đẹp để nhắc nhở Nô-ê và thế hệ sau của ông về giao ước thiêng liêng của Ngài. Câu chuyện Đại Hồng Thủy này cũng đã có ghi lại bằng cổ ngữ Ba-by-lôn, có tên là “Epic of Gilgamash”. Các chi tiết của câu chuyện và chiếc tàu có những điểm khác so với Kinh Thánh, nhưng cho chúng ta biết là sự việc này đã thật sự xảy ra. Tạ ơn Chúa, Đức Chúa Trời luôn tỏ ra thành tín trong lời hứa. Cho đến ngày nay, con người không đối diện với cơn đại hồng thủy nào nữa.

* Bài học áp dụng.

  1. Chúng ta học được điều gì từ bài học hôm nay? Tình trạng tội ác loài người thời Nô-ê có khác gì tội ác con người đang làm trong thế giới văn minh ngày nay không?
  2. Qua bài học, có 4 động từ rất quan trọng. Bốn động từ đó là gì? Bạn nên áp dụng thế nào để cứu nhà mình khỏi sự đoán phạt bằng lửa sẽ đến? (Sáng thế Ký 6:8; 7:1-4).
  3. Bạn có cho là Đức Chúa Trời luôn luôn thành tín với lời hứa của Ngài không? Nếu có, bạn nên làm sẽ gì để đức tin của bạn được gia tăng? Bạn nên suy xét lại chương trình hầu việc Chúa của bạn như thế nào? (Sáng thế Ký 9:12-17).
  4. Bài học này đưa chúng ta đến hai đặc tính quan trọng của Chúa đó là sự phán xét công minh và lòng thương xót của Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Bài học này giúp chúng ta thêm lòng kính sợ Chúa, ngợi ca Ngài về những điều Ngài đã làm trong thời Nô-ê và trong thế giới đầy tội lỗi mà chúng ta đang sống. Chúng ta cần làm gì để cứu nhà mình và cứu đồng bào của mình? Chiếc tàu Nô-ê cho thế giới hôm nay là gì? Có phải là Hội Thánh mà Chúa Cứu Thế đã mua chuộc bằng huyết vô tội của Ngài. Đóng tàu thời xưa, và xây dựng Hội Thánh việc làm có khác nhau nhưng mục tiêu chỉ là một.

Post CommentLeave a reply