Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 03.01.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 03.01.2021

By K' Abel in NAM GIỚI on 30 Tháng Mười Hai, 2020

Chúa nhật 03.01.2021

  1. Đề tài: HÃY THỨC CANH.
  2. Kinh Thánh: Mác 14:37-38; Châm ngôn 8:34.
  3. Câu gốc: “Chúa Giê-xu phán: ‘Điều Ta nói với các ngươi Ta cũng nói với mọi người: Hãy tỉnh thức!’” (Mác 13:37).
  4. Đố Kinh Thánh: Giô-suê 17-20.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ (Mục sư, Truyền đạo) từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Nam giới. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Thế gian này đầy dẫy sự cám dỗ. Có rất nhiều bằng chứng sống về những người bị cám dỗ đánh bại và hư mất. Vì vậy, cách khôn ngoan là lắng nghe lời kêu gọi của Cứu Chúa chúng ta về việc thức canh và cầu nguyện. Đây là lời kêu gọi sinh tử. Hãy suy nghĩ đến những điều sau cùng này. Có lẽ bạn sẽ được thuyết phục để thức canh và cầu nguyện.

  1. Chúa Giê-xu phán: “Hãy thức canh và cầu nguyện”.

Làm theo lời kêu gọi này của Chúa Giê-xu là phương cách duy nhất Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để giữ mình khỏi sa vào sự cám dỗ và phạm tội. Không chú ý đến phương cách này thì bạn sẽ ngã. Đừng nghĩ rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy đến cho tôi. Có thể bạn là người đã theo Chúa rất lâu và có đời sống thánh khiết, gớm ghê tội lỗi vì thế bạn nghĩ rằng mình sẽ không bị quyến dụ sa vào một tội nào đó. Cho dù thế nào đi nữa, đừng bao giờ quên rằng: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”.

Có lẽ bạn đã nhận lãnh nhiều ân điển của Chúa trong quá khứ, bạn đã có những kinh nghiệm tuyệt vời, bạn đã có những quyết định rõ ràng để đứng vững. Không có điều nào trong những điều đó có thể giữ bạn nếu bạn không thức canh cầu nguyện. Chúa Giê-xu phán: “Điều mà Ta nói cùng các ngươi, Ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh thức!” (Mác 13:37).

Có thể cho dù bạn đã từng bất cẩn trong quá khứ nhưng Chúa đã gìn giữ để bạn không sa vào sự cám dỗ. Nếu như điều đó đã xảy ra thì bạn cũng đừng nên tiếp tục lạm dụng lòng nhân từ của Chúa. Hãy tỉnh dậy, cảm tạ Chúa về lòng nhân từ của Ngài, và bắt đầu thức canh cầu nguyện trước khi quá trễ. Nếu bạn không thực hiện trách nhiệm của mình bạn sẽ bị cám dỗ bằng cách này hay cách khác.

  1. Chúa Giê-xu đang luôn luôn nhìn xem bạn.

Chúng ta suy nghĩ như thế nào khi Chúa Giê-xu nhìn thấy sự cám dỗ đang ồ ạt tấn công chúng ta trong khi chúng ta vẫn ngủ mê? Điều này chắc sẽ làm Ngài buồn lòng lắm khi nhìn thấy bạn đưa mình vào sự cám dỗ cho dù Ngài đã có nhiều lời cảnh cáo bạn. Khi Chúa còn ở trên thế gian, Ngài đã xem xét sự cám dỗ ngay khi nó còn ở đàng xa. Chúa đã có thể nói: “Vua chúa của thế gian này hầu đến, người chẳng có chi hết nơi Ta” (Giăng 14:30). Chúng ta có dám lơ là khi đã biết được tấm gương của Chúa và biết rằng Chúa luôn theo dõi chúng ta? Hãy thử nghĩ nếu Chúa đến với chúng ta như Ngài đã đến với Phi-e-rơ khi ông ngủ trong vườn Ghết-sê-ma-nê với cùng lời cảnh cáo: “Si-môn, ngủ ư! Ngươi không thức được một giờ sao?” (Mác 14:37). Chúng ta có buồn khi nghe Chúa quở trách như vậy không? Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu Chúa từ trên trời phải cảnh cáo chúng ta như Ngài đã làm với Hội Thánh Sạt-đe? (Khải 3:2).

  1. Đức Thánh Linh giúp chúng ta trong việc chống lại sự cám dỗ.

Đức Thánh Linh là tác giả của mọi ân điển và các việc tốt lành. Tuy nhiên trách nhiệm của Cơ Đốc nhân là sử dụng những ân điển đó để sống thánh khiết. “Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13). “Vì mọi điều chúng tôi làm, ấy là Ngài làm cho!” (Ê-sai 26:12, 2Tê 1:11; Cô-lô-se 2:12; Rô-ma 8:12-13; Xa 12:10).

Đức Thánh Linh sẽ không thể làm chết những ước muốn tội lỗi trong chúng ta, nếu chúng ta không vâng phục và không đồng công với Ngài. Chúa hành động trên và trong chúng ta theo bản chất của chúng ta. Chúa gìn giữ chúng ta nhưng Ngài cũng tôn trọng sự tự do của chúng ta. Chúa hành động trong chúng ta và với chúng ta, nhưng không hành động cách đơn phương. Sự vùa giúp của Ngài là niềm khích lệ để chúng ta thực hiện trách nhiệm của mình chứ không phải để chúng ta trở nên thờ ơ với trách nhiệm đó. Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là chúng ta không thể tự mình làm chết đi những ước muốn tội lỗi trong chúng ta nếu không có quyền năng của Đức Thánh Linh. Vấn đề đau buồn ở đây là nhiều người rất xa lạ với Đức Thánh Linh, họ cố gắng sức riêng để giết chết những ước muốn tội lỗi trong mình nhưng thất bại. Họ chiến đấu nhưng không thể thắng tội lỗi, đời sống của họ không có sự bình an và vẫn là nô lệ cho tội lỗi suốt cuộc đời.

  1. Chúa sửa phạt những ai không thức canh cầu nguyện.

Nếu chúng ta không thức canh và cầu nguyện thì sẽ có hai hậu quả: Chúng ta sẽ chắc chắn sa vào tội lỗi và Đức Chúa Trời sẽ sửa trị chúng ta vì đã không theo ý muốn của Ngài. Sa vào tội lỗi là điều trầm trọng nhưng Chúa cũng sẽ sửa phạt chúng ta. Chúa sẽ cho chúng ta biết rằng Ngài không vui và giận chúng ta. Hãy nhớ đến Đa-vít, ông đã kêu la với Chúa sau khi phạm tội: “Để các xương cốt mà Chúa đã bẻ gãy được khoái lạc” (Thi 51:8). Đa-vít hiểu được thế nào là sự sửa trị của Chúa (Thi 32:4). Thú vui của tội lỗi mà Đa-vít có được là rất ngắn ngủi. Chúa hoàn toàn tha thứ cho ông nhưng ông vẫn phải chịu sự sửa trị cách nghiêm khắc của Chúa (2Sa 12:7-19). Nếu chúng ta không nghiêm túc trong đời sống thức canh cầu nguyện, thì chúng ta sẽ nhận lãnh hậu quả và kinh nghiệm sự sửa trị của Chúa như Ngài đã làm với Đa-vít.

LỜI KẾT.

Đừng bao giờ đùa cợt với những điều dẫn bạn vào sự cám dỗ. Hãy tránh xa mọi hình thức của những điều ác. Đặc biệt, hãy xem xét những gì trong quá khứ đã làm chúng ta vấp ngã. “Chớ như con ngựa và con la, là vật vô tri; phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được, bằng chẳng, chúng nó không đến gần ngươi. Kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn; nhưng người nào tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, sự nhân từ vây phủ người ấy” (Thi thiên 32:9-10).

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Tại sao Chúa Giê-xu phán với sứ đồ “Hãy thức canh và cầu nguyện”? Các sứ đồ đã ở trong tình trạng như thế nào khi không thức canh cầu nguyện? Nếu môn đồ của Chúa Giê-xu không cầu nguyện thì họ sẽ sa vào những cám dỗ gì?
  3. Xin cho biết những tấm gương đã vượt qua cám dỗ trong Kinh Thánh. Cách thức nào giúp họ vượt qua?
  4. Trong Kinh Thánh có đề cập đến những trường hợp nào bị sa vào cám dỗ mà không vượt qua được? Và hậu quả là gì?
  5. Ngày nay, chúng ta rất dễ sa vào những cám dỗ, xin nêu một vài ví dụ? Và cho biết phương cách để ra khỏi cám dỗ là gì?
  6. Cầu nguyện là cách thức duy nhất để chúng ta chiến thắng cám dỗ, bạn có thường xuyên cầu nguyện không? Xin cho biết những gương mẫu về sự cầu nguyện được nói đến trong Kinh Thánh?

Post CommentLeave a reply